Len Chọc - Needle Felting

Len Chọc - Needle Felting

Chỉ với cây kim chọc và len thô, bạn có thể sáng tạo vô vàn món đồ cực kỳ dễ thương. Bạn không cần phải học quá nhiều kỹ thuật hay hiểu biết về các loại len. Chỉ cần bạn yêu thích handmade và kiên nhẫn thì có thể dễ dàng tạo những món đồ đơn giản. Cũng là len nhưng len chọc và đan móc khác nhau hoàn toàn về dụng cụ, len cũng như thao tác. Hãy thử tìm hiểu để cảm nhận ứng dụng đa dạng và tuyệt vời từ len nhé!

I. Len chọc là gì?

Len chọc (Needle Felting) có nguồn gốc từ Châu Âu vào thế kỷ 19. Từ đó len chọc dần phổ biến trên thế giới và hiện giờ đang dần phổ biến ở Việt Nam.
Về cơ bản đó là thao tác biến len thành các đối tượng 3D bằng cách sử dụng kim chọc. Các cụm len được kéo từ ngoài vào trong tạo thành khối chắc chắn. Các chi tiết được kết hợp từ những cụm len có màu sắc khác nhau.
Len chọc được sử dụng đa số để tạo hình các con thú do những sợi len này rất giống những sợi lông thú nên nhìn rất tự nhiên và chân thật.

II. Chuẩn bị gì khi làm len chọc?
Nguyên liệu chính là len thô: 
Đây là loại len cơ bản chưa được se thành sợi như những loại len dùng trong đan móc.

Dụng cụ gồm có kim chọc & đệm
-Kim: Kim để chọc len không phải là loại kim may hay thêu. Loại kim này đặc biệt có những khứa ở đầu lưỡi kim để kéo các sợi len vào trong tạo nên tạo hình len cứng và chắc hơn. 
Kim có các kích cỡ và thiết diện khác nhau.

  • Về kích cỡ thì phổ biến là số 36 và 38 (số càng lớn thì lưỡi kim càng nhỏ). Kim số 36 sử dụng để chọc tổng thể, tạo hình và tạo chi tiết lớn. Kim số 38 sử dụng chọc chi tiết nhỏ, mỏng và để làm việc với bề mặt sản phẩm.
  • Về thiết diện thì phổ biế là hình tam giác.

Kim cũng có các loại khác nhau như kim đơn (chỉ có 1 kim) và bút kim (có nhiều kim). Loại bút kim sử dụng cho tiết diện lớn và cần rút ngắn thời gian chọc bông. Tuy nhiên khi sử dụng loại này bạn sẽ không kiểm soát được độ cứng của khối len

- Đệm chọc bông: Sử dụng khi chọc các sản phẩm nhỏ không thể cầm bằng tay hoặc các chi tiết trên nền vải. Đệm giúp kim không bị gãy do đâm xuống nền cứng. Do đó miếng đệm cần phải đủ dày khi kim đâm sau vào sản phẩm.

III. Chọc len như thế nào?
Kỹ thuật chọc len khá đa dạng tùy thuộc vào tạo hình mà bạn muốn. Bạn nên tập với các hình cơ bản như vuông, tim, sao, ... sau đó đến nâng cao thành các hình phức tạp.
Nếu bạn muốn dễ dàng có thể thử sử dụng các khuôn tạo hình (như khuôn cắt bánh hay làm đất sét).

Nguyên tắc cơ bản là bạn sẽ chọc cho len từ 1 nhúm thành 1 hình khối nào đó cứng chắc, nhỏ gọn hơn lúc ban đầu.

  1. Bạn phác thảo ra hình tượng mình muốn làm.
  2. Cân nhắc lượng len và màu len thích hợp. Lưu ý: Thường thì sản phẩm sau chọc sẽ chỉ bằng 1/5 số len lúc đầu.
  3. Chuẩn bị len. Có thể dùng tay xé len dễ dàng chứ không cần cắt.
  4. Tạo hình khối cơ bản như vo tròn, trải len theo hình dạng phác thảo, …
  5. Tiến hành chọc len. Dùng mũi kim cắm thẳng xuống vị trí trung tâm. Sau đó rút kim ra theo cùng chiều. Mỗi lần chọc len sẽ được kéo từ ngoài vào trong. Tiến hành chọc theo các phía để sợi len lồng rối vào nhau. Chọc cho đến khi bạn thấy khối len cứng và chắc tay.
  6. Sử dụng len màu sắc khác hoặc các vật liệu khác để trang trí.

IV. Một số lưu ý khi chọc len:

  • Một khi len đã cứng thì khả năng gãy kim sẽ càng cao nếu bạn làm không đúng cách. Hãy chọc & rút kim cùng 1 phương.
  • Chọn độ dài len phù hợp với từng chi tiết. Nếu là trang trí bên ngoài thì lấy sợi ngắn. Nếu là tạo khối lớn thì sợi càng dài càng tốt.
  • Nên chọc sâu vào trong khối để cứng chắc và không chai bề mặt. Khi chọc bề mặt thì không cần chọc sâu.
  • Với tạo khối 3D bạn chọc đều từ các phía để len lồng đều vào nhau.

V.Bảo quản
Do len dễ bắt bụi và kỵ ẩm ướt, bạn nên giữ gìn len ở vị trí khô ráo sạch sẽ và không nên giặt với nước.

 

← Bài trước Bài sau →