
CHỌN ĐỒ CHƠI CHO CON THEO PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC STEINER: TỐI GIẢN, TỰ NHIÊN VÀ LÀM BẰNG TAY
- Người viết: Vũ Hồng Nhung lúc
- Cách chọn đồ chơi cho con
Nhiều bố mẹ sẵn lòng dốc túi mua những món đồ chơi được quảng cáo là giúp con thông minh hơn, nhưng thực tế những món đồ tự nhiên, không tốn đồng nào như miếng gỗ, tấm vải… lại khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ hơn nhiều so với chiếc ô tô, máy bay điều khiển từ xa đắt tiền.
Tại sao đồ chơi làm bằng tay, từ chất liệu thiên nhiên lại tốt cho trẻ và tại sao không mua cho con quá nhiều đồ chơi?
1. ĐỒ CHƠI LÀM TỪ VẬT LIỆU TỰ NHIÊN
Tại sao giáo dục Steiner luôn chú trọng đến việc sử dụng các loại đồ chơi được làm từ chất liệu tự nhiên, ví dụ như lông cừu, vải cotton, gỗ…? Những loại chất liệu này đều bắt nguồn từ trong tự nhiên nên chúng có hơi thở. Cũng giống như ta thích mặc quần áo bằng vải cotton vì chất liệu này thoáng khí, làm chúng ta có cảm giác vô cùng thoải mái dễ chịu khi mặc. Những món đồ bằng nhựa, ni lông và các chất tổng hợp đều thuộc về thế giới khoáng vật, có hình thù vật chất nhưng không có sức sống. Đồ chơi bằng gỗ hay vật liệu tự nhiên mang trong mình sức sống, hơi ấm – là yếu tố lành mạnh bồi dưỡng sức khỏe của trẻ và giác quan của trẻ.
Vì vậy, các trường mầm non Steiner vô cùng chú trọng đến việc sử dụng đồ chơi được làm bằng chất liệu hoàn toàn tự nhiên: đồ chơi từ gỗ, len, vải, lông cừu, những viên đá sỏi, những con ốc biển, những chiếc giỏ to nhỏ các kích cỡ… Những rổ đựng đồ chơi cũng được làm từ mây tre cói…
2. ĐỒ CHƠI LÀM BẰNG TAY
Những con búp bê và các con thú đồ chơi là để cho trẻ một cách để thể hiện tình yêu và sự quan tâm và giúp các năng lực xã hội và đạo đức của trẻ phát triển một cách lành mạnh. Trong các trường mẫu giáo Steiner, các cô giáo tự làm bằng tay những con vật mềm mại, những em búp bê, quần áo, những đồ chơi bằng len và vải dạ lông cừu… và bằng việc đó người giáo viên xây nên một mối quan hệ với các đồ chơi và truyền vào đó một biểu hiện của các giá trị tinh thần.
“Khi một đứa trẻ chơi với những con thú đồ chơi đơn giản được làm bằng tay này, mộng tưởng và trí tưởng tượng có thể nở hoa. Trẻ luôn yêu thích các con thú và các con thú này mang đến sự kỳ diệu và vẻ đẹp của thiên nhiên….Vẻ đẹp trong một món đồ chơi phụ thuộc không chỉ vào các chất liệu được sử dụng mà còn vào kỹ năng và tình yêu tạo nên đồ chơi đó.” - Cô Shirley Bell, một giáo viên 28 năm kinh nghiệm trong các trường Waldorf ở Mỹ và Australia, người chuyên dạy về làm thủ công và búp bê Waldorf, cho biết.
Khi thầy cô hay bố mẹ tự làm đồ chơi cho trẻ với tình yêu và sự chú tâm, trẻ em sẽ cảm nhận được tình cảm của người làm qua món đồ chơi, và sẽ cảm nhận được sự biết ơn do đã chứng kiến thời gian và công sức mà bố mẹ, cô giáo bỏ ra để làm cho mình.
3. ĐỒ CHƠI KHÔNG CÓ HÌNH THÙ CỤ THỂ GIÚP KHƠI GỢI TRÍ TƯỞNG TƯỢNG
Mọi người thường thắc mắc rằng tại sao búp bê trong Steiner lại không có mặt. Bởi khi có mặt thì cảm xúc của búp bê sẽ được cố định, điều này sẽ làm giảm khả năng mộng tưởng của trẻ. Nếu búp bê không có mắt, mũi, tai, miệng, trẻ sẽ tưởng tượng ra tâm trạng của búp bê cũng giống như của mình. Ví dụ như, nếu hôm nay trẻ thấy không vui, trẻ sẽ tưởng tượng rằng búp bê cũng không vui giống mình, còn hôm nào trẻ thấy vui, trẻ sẽ lại tưởng tượng rằng búp bê chơi với mình thật là vui. Điều này giúp làm tăng cảm giác an toàn bên trong trẻ.
Đồ chơi trong trường Steiner không có hình thù quá cụ thể với mục đích khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ. Cùng một miếng gỗ có thể là miếng bánh mỳ, thức ăn, có thể là cái thớt để thái rau, và cũng có thể là bộ phận lái trong buồng lái của máy bay. Những chiếc khăn lụa khi là khăn choàng công chúa, khi là cái chăn để đắp. Một cành cây nhỏ lúc là thức ăn lúc là miếng củi, lúc lại biến thành chiếc ống hút.
Nhiều phụ huynh băn khoăn rằng trong những lớp học Steiner, chỉ quanh quẩn với miếng gỗ, đồ mây tre, len, liệu trẻ em có bị chán, hay thậm chí ‘tụt hậu’ trong khi thực tế cuộc sống hiện đại đầy ô tô, máy bay, tàu thủy, tivi, ipad, đồ công nghệ hiện đại.
Nếu có dịp quan sát một lớp học của các em bé mầm non, câu hỏi này sẽ được giải đáp nhanh chóng, khi một em bé cầm một khúc gỗ và gọi điện say sưa cho bạn, một em bé đưa cho bạn mình cái thớt và bảo “Ipad đây”, hay một em khác đang lái máy bay hết sức tập trung trên dãy ghế… Quanh đi quẩn lại chỉ có những món đồ chơi như vậy, nhưng trong trí tưởng tượng của các em, vào các giờ chơi tự do, những món đồ chơi tối giản này có thể biến thành những thế giới khác đầy phong phú kỳ thú và không có giới hạn.
4. TỐI GIẢN ĐỒ CHƠI
Không giống như các bố mẹ thời nhỏ hầu như không có đồ chơi, chỉ quanh quẩn với đất, sỏi, tấm vải cũ hay ống bơ…, trẻ em bây giờ có vô số lựa chọn. Các cửa hàng đồ chơi và các trang bán hàng online luôn tràn ngập các món đồ khác nhau, đủ màu và đủ chất liệu… Tuy nhiên, có quá nhiều đồ chơi và thích gì được nấy lại khiến trẻ em không biết trân trọng đồ chơi, không có lòng biết ơn với việc có đồ chơi và cả thèm chóng chán…
Một khía cạnh khác là khi trẻ có nhiều đồ chơi trẻ lại không biết chơi gì, đúng như Rudolf Steiner nhấn mạnh rằng số lượng đồ chơi trong lớp học không nên quá nhiều, bởi quá nhiều lựa chọn sẽ làm cho trẻ cảm thấy rối loạn và căng thẳng. Cũng tương tự như những người phụ nữ có cả tủ quần áo nhưng mỗi sáng không biết mặc gì. Khi có quá nhiều đồ chơi, trẻ không biết trân trọng mà chỉ muốn “thêm nữa”, đồng thời chơi một cách hời hợt, mỗi thứ một tí. Điều này cũng làm giảm đi tính độc lập và sáng tạo của trẻ, nhiều em phải đợi bố mẹ hướng dẫn thì mới vui còn một mình lại không biết chơi gì.
Tối giản đồ chơi và cho trẻ chơi với những nguyên liệu mở như mảnh vải, cuộn len, đá, gỗ, ốc, đồ chơi tự làm… trẻ dễ dàng hơn trong việc chọn lựa, tập trung nghiên cứu sâu với đồ chơi, sống với đồ chơi đó, tự chủ và sáng tạo hơn khi chơi.
5. SẮP XẾP KHÔNG GIAN GIA ĐÌNH CHO TRẺ
Bên cạnh đồ chơi cho con, việc bài trí không gian trong gia đình cho phép con tự do trải nghiệm cũng không kém phần quan trọng. Chúng ta nên sắp xếp làm sao cho trẻ có thể bò và chạm vào được mọi đồ đạc và ngõ ngách trong nhà, tất nhiên là cũng cần bảo vệ trẻ khỏi những vị trí nguy hiểm. Không nên lúc nào cũng nói với trẻ rằng: “Con không được sờ ở đây, chỗ này nguy hiểm lắm”. Nếu khi trẻ bò tới, sờ tới vật gì cũng bị nói là không được sờ vào, sờ vào là hỏng, thì lúc này xúc giác của trẻ không dám tiến đến. Một cách vô tình, chúng ta tạo ra cho trẻ những giới hạn, những điều không được làm. Điều này sẽ dẫn đến việc: khi lớn lên, trẻ không tìm được mục đích sống của mình. Do đó, chúng ta cần sắp xếp một không gian trong nhà sao cho trẻ có thể khám phá mọi ngõ ngách trong nhà một cách an toàn. Khi một đứa trẻ không bị ngăn cách với môi trường xung quanh thì giác quan về tinh thần của trẻ cũng không bị giới hạn. Đứa trẻ này cũng sẽ dễ dàng tìm thấy sứ mệnh và mục đích sống của cuộc đời mình. Có những lúc chúng ta nghĩ rằng sứ mệnh và mục đích sống của chúng ta được hình thành sau khi lớn lên, nhưng thực ra sứ mệnh của mỗi người đã được hình thành ngay từ khi sinh ra
Nguồn Bông Gạo Steiner - Inspired School